Trích từ “Việt Nam Nhân Chứng”
của
cựu Trung Tướng VNCH Trần Văn Đôn
(từ trang 168 đến 179)
“Ngày 5.7.1963, chính
phủ Ngô Đình Diệm đưa 19 quân nhân ra trước tòa án Quân Sự Đặc Biệt Sài gòn để trả
lời về tội đảo chánh ngày 11.11.1960:
- Trung Tá Vũ Quang
Tài – Quân Nhu.
- Thiếu Tá Phan Trọng
Chính – Biệt Động Quân.
- Thiếu Tá Ngô Thanh
Tùng - Đại Học Quân Sự.
- Đại Úy Nguyễn Thành
Chân – Biệt Động Quân.
- Đại Úy Trần Sĩ Đưa –
Tiểu Đoàn 1 Công Binh.
- Đại Úy Nguyễn Văn
Thừa.
- Đại Úy Đoàn Bội Trân
- Đại Học Quân Sự.
- Đại Úy Nguyễn Mạnh
Tường – Tổng Tham Mưu.
- Đại Úy Bùi Văn Viễn.
- Trung Úy Lưu Danh
Dạng – TT Nhảy Dù.
- Trung Úy Nguyễn Hữu
Hiệp – CB Nhảy Dù.
- Trung Úy Nguyễn Bá
Mạnh Hùng – TĐ 3 Nhảy Dù.
- Trung Úy Đào Văn
Lương – TĐ Nhảy Dù.
- Trung Úy Nguyễn Văn
Thành – HC Nhảy Dù.
- Trung Úy Nguyễn Vũ
Từ Thức – TT Nhảy Dù.
- Trung Sĩ Nguyễn Văn
Hải – LĐ.
- Trung Sĩ Đặng Văn
Nho – TĐ3 Nhảy Dù.
- Trung Sĩ Nguyễn Văn
Tống – TĐ 921.
- Binh Nhất Lưu Văn
Hiến.
Bảy Sĩ Quan khác bị xử
khiếm diện:
- Đại Tá Nguyễn Chánh
Thi.
- Trung Tá Vương Văn
Đông.
- Thiếu Tá Trần Văn
Đỗ.
- Thiễu Tá Phạm Văn
Liễu.
- Thiếu Tá Phạm Văn
Lộc.
- Thiếu Tá Nguyễn Huy
Lợi.
- Thiếu Tá Nguyễn Đức
Tuấn.
Ngày 8 tháng 7 năm 1963,
Tòa án Quân Sự Đặc Biệt Sài gòn xử 35 Đảng viên trong các đoàn thể, đảng phái
tôn giáo đã tham gia cuộc đảo chánh ngày 11.11.1960 sau khi đã giam giữ gần 3
năm, gồm có:
- Phan Bá Cầm, tức
Vương Kim.
- Phan Văn Chẩn.
- Nguyễn Chữ.
- Nguyễn Thành Chư.
- Nguyễn Quý Dị.
- Trần Thị Kim Dung.
- Phan Quang Đán.
- Lương Ngọc Hải, tức
Tống Ngọc.
- Nguyễn Văn Hiền.
- Đặng Tấn Hinh.
- Vũ Hồng Khanh, tức
Giáo Giảng.
- Võ Văn Khoa, tức Võ
Hòa Khanh.
- Lê Kiên, tức Bùi
Lượng.
- Nguyễn Liệu, tức
Phan Anh.
- Nguyễn Phúc Vĩnh
Lợi.
- Phạm Lợi.
- Trần Minh.
- Trần Văn Ngày, tức
Lý Hồng Đào.
- Huỳnh Hữu Nghị.
- Phạm Văn Phúc.
- Phạm Bá Phụng.
- Nguyễn Thành Phương.
- Đinh Xuân Quảng.
- Đinh Sơn, tức Đinh
Văn Siêu.
- Trương Bảo Sơn.
- Phan Khắc Sửu.
- Nguyễn Tường Tam, tức
Nhất Linh.
- Nguyễn Văn Tám.
- Lê Thanh, tức Thanh
Lâm.
- Hà Văn Thi.
- Nguyễn Bích Toàn.
- Huỳnh Văn Tư, tức
Hoàng Hồ.
- Trần Tương.
- Nguyễn Hữu Vận.
- Nguyễn Thành Vinh.
Trong ba năm nầy, Nhất
Linh Nguyễn Tường Tam không bị giam mà bị quản thúc tại gia. Không chịu để
chính quyền xét xử, Nhất Linh uống thuốc độc tự tử và chết lúc 1giờ 15 ngày 8
tháng 7 năm 1963 (ngày ra tòa) tại nhà. Cái chết của Nhất Linh làm cho giới trí
thức, sinh viên học sinh và quần chúng căm phẫn chính quyền hơn, châm thêm ngọn
lửa đốt cháy chế độ.
(…)
Chiều ngày 20 tháng 8,
ông Ngô Đình Nhu mời tôi, quyền Tổng Tham Mưu Trưởng, Thiếu Tướng Trần Thiện
Khiêm, Tham Mưu Trưởng, Thiếu Tướng Tôn Thất Đính, Quân trấn Sài gòn, và Đại Tá
Nguyễn Văn Y, Tổng giám đốc Công an Cảnh sát, đến dinh Độc Lập ra lệnh: “Tối
nay sẽ bắt các sư sãi cộng sản”.
Đêm 20 tháng 8, lợi
dụng lệnh giới nghiêm, dinh Độc Lập ra lệnh riêng cho Đại Tá Lê Quang Tung, chỉ
huy trưởng Lực Lượng đặc biệt cùng Cảnh Sát Đặc Biệt của Dương Văn Hiếu, Mật vụ
và Cảnh sát chiến đấu của ông Trần Văn Tư, Giám đốc Cảnh sát Đô thành bao vây
tấn công các chùa trong đô thành để bắt các Thượng tọa, Đại đức, Tăng ni và
Phật tử.
Lực Lượng Đặc Biệt là
một tổ chức của quân đội, được thành lập từ năm 1956 gồm gần 10 Đại Đội (mỗi
đại đội 120 người), võ trang súng ống tối tân nhất, được huấn luyện kỹ như Nhảy
Dù, bơi lội, đột kích sau lưng địch… Một số ít chiến sĩ Lực Lượng Đặc Biệt này
đã từng nhảy dù ra Bắc để hoạt động, vì vậy nên được chọn lựa rất kỹ, đòi hỏi
nhiều tiêu chuẩn. Đại Tá Lê Quang Tung chỉ huy lực lượng này.
Nghe lệnh tấn công
chùa như vậy, chúng tôi biết là việc này sẽ làm sụp đổ thêm cho chế độ nhưng
không thể can gián được. Đêm đó, tôi và Trần Thiện Khiêm theo dõi tại bộ Tổng
Tham Mưu trên máy riêng Motorola của Cảnh sát nên chúng tôi biết được cuộc tấn
công này do Đại Tá Lê Quang Tung chỉ huy tổng quát.
Tôi và ông Khiêm lấy
xe đến chùa Xá Lợi vào khoảng 1 giờ khuya. Đến nơi tôi thấy đèn còn bật sáng,
cảnh sát còn đi qua lại. Bước vào chính điện, tôi giở mũ, ông Khiêm cũng giở
theo. Lính cảnh sát thấy vậy cũng giở mũ và đứng im. Tôi hỏi:
- Quý Thầy đâu hết
rồi?
Họ nói dẫn qua Phú
Nhuận, còn Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết rất mệt, mai sáng phải cho vô bịnh viện
quân sự Cộng Hòa. Chúng tôi trở ra đi thẳng đến dinh Gia Long. Lúc đó khoảng 3
giờ sáng. Gặp ông Nhu, ông ta bảo chúng tôi ra lệnh thiết quân luật. Lịnh này
ban ra là có ý đổ trách nhiệm tấn công chùa cho quân đội, tôi hiểu ý của ông
Nhu nhưng im lặng thi hành.
Lúc 5 giờ sáng, ông
Diệm tập hợp Nội Các chánh phủ để trình bày sự việc. Ngay trong phiên họp đó,
Ngoại Trưởng Vũ Văn Mẫu từ chức để phản đối sự đàn áp Phật giáo của anh em ông
Diệm. Sự từ chức nầy của ông Mẫu làm thế giới xôn xao, Phật tử xúc động, dân
chúng cảm phục một người đã thẳng thắn từ bỏ chức vụ để phản đối hành động bất
công và tàn bạo.
Lúc đó ông Trần Văn
Chương đang là Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ, bà Chương là Quan sát viên cho
Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hiệp Quốc, nhận thấy anh em Ngô Đình Diệm đàn áp
Phật giáo, con gái mình tiếp tay phát ngôn hỗn xược mà mình không thể cản ngăn
được nên cả hai ông bà đều từ chức.
Sự từ chức của ông Vũ
Văn Mẫu và ông bà Trần Văn Chương là những ngọn đòn đau đớn cho anh em nhà họ
Ngô.
Giới nghiêm là hạn chế
sự lưu thông về đêm, còn Thiết quân luật là phải đem quân đội ra đường canh
gác. Một thứ phù hợp với một tình trạng mà Thiết quân luật chỉ áp dụng khi thật
sự có nguy hiểm cho nước nhà. Bởi vậy nghe lịnh Thiết quân luật, các tướng ngơ
ngác.
Trung Tướng Dương Văn
Minh cho tôi ý kiến: Xin phép Tổng Thống triệu tập tất cả các tướng lãnh trong
Đô thành mỗi ngày từ 9 đến 12 giờ để thảo luận và học tập ưu khuyết điểm của
lệnh Thiết quân luật.
Chiều ngày 21 tháng 8,
tôi đến gặp ông Ngô Đình Nhu, đề nghị thực hành ý kiến của ông Dương Văn Minh.
Học tập tức là gián tiếp chấp nhận việc Thiết quân luật, tức là nhận lãnh trách
nhiệm tấn công nhà chùa. Ông Nhu chấp thuận không nghi ngờ gì cả.
Ngày 21 tháng 8, đài
VOA loan tin quân đội nghe theo lịnh Tổng Thống đi tấn công chùa. Tôi không
biết làm sao cải chính tin đó với đài VOA nên tôi cho Đại Úy Lê Văn Khấn, sĩ
quan tùy viên của tôi đi mời ông Conein, sĩ quan CIA quen tôi từ năm 1946 ở Hà
Nội hiện đang ở góc đường Công Lý và Nguyễn Đình Chiểu đến bộ Tổng Tham Mưu gặp
tôi đêm đó. Ông Conein sợ tôi gài bẩy nên mang theo súng tùy thân.
Chín giờ tối, ông
Conein lại, chúng tôi cho biết quân đội không tham gia trong việc tấn công các
chùa như đài VOA đã loan tin để ông Conein về trình lại đại sứ Mỹ. Ông Conein
hỏi: “Các tướng lãnh Việt Nam có ý định đảo chánh không?” Tôi trả lời: “Chuyện
này rất quan trọng sẽ nói chuyện sau”. Rồi ông Conein ra về.
Hôm sau đài VOA cải
chính, nói rõ là quân đội Việt Nam không tấn công chùa. Ông Nhu nghe tin cải
chính nầy rất tức giận, buộc mấy ông tướng phải họp lại, tuyên bố đứng sau lưng
Tổng Thống và tôi phải ra nhật lịnh nói rằng quân đội có tham gia việc đó. Tôi
phải tuân lời. Tuân lời ra nhật lịnh kêu gọi quân đội xiết chặt hàng ngũ sau
lưng Ngô Tổng Thống thì được, nhưng nói làm sao cho anh em quân nhân và đồng
bào hiểu mình đang tìm cách hạ một chính quyền đang bị dân oán hận!
(…)
Tối ngày 21 tháng 8,
hầu hết các chùa lớn ở các tỉnh đều bị cảnh sát, an ninh quân đội đến khám xét
hoặc bắt các tu sĩ và cũng những người của hai cơ quan trên cùng chính quyền
địa phương đến bắt một số Phật tử tham gia trong những cuộc biểu tình tuyệt
thực, những Phật tử trung kiên thường có mặt tại chùa trong thời gian Phật giáo
tranh đấu. Trong số bị bắt có rất nhiều Huynh trưởng và Đoàn sinh gia đình Phật
tử, nhất là tại các tỉnh miền Trung, từ Bình Thuận đến Quảng Trị, tỉnh nào cũng
có một số đông Huynh trưởng và Thanh thiếu niên gia đình Phật tử bị bắt đánh
đập, giam cầm từ đêm 21 tháng 8. Hầu hết các trường Đại học và Trung học đều
đóng cửa. Một phần do học sinh bãi khóa, một phần chính quyền sợ mở cửa sẽ tạo
nơi tập trung cho sinh viên học sinh khởi xuất đi biểu tình phản đối chính
quyền.
Mấy Thầy lãnh đạo Phật
tử tranh đấu bị bắt, nhà chùa bị cảnh sát canh chừng, các Phật tử trung kiên
dính líu vào vụ tranh đấu đa số đều bị bắt giam, vậy mà mấy ngày sau vẫn có một
số đông Phật tử, dân chúng và sinh viên học sinh truyền miệng nhau, từng toán
người vào chợ và đứng rải rác các ngả đường gần đó chờ đúng giờ ấn định tất cả
kéo ra trước chợ Sài gòn trương biểu ngữ biểu tình phản đối chính quyền. Lần
này cảnh sát nổi, cảnh sát chìm không phải chỉ giải tán biểu tình bằng hơi cay,
bằng xịt nước hay bằng đấm đá mà bằng gậy gộc và bằng súng, cho nên Quách Thị
Trang là một thiếu nữ thuộc gia đình Phật tử miền Vĩnh Nghiêm (Bắc Việt di cư)
đã bị bắn chết trước chợ Bến Thành. Một số Phật tử bị thương vì bị đánh đập.
Việc một nữ sinh bị
bắn chết làm cho chúng tôi thấy hổ thẹn với quần chúng khi khoác áo quân nhân
ra đường. Việc Phật tử bị giam cầm làm cho tôi có mặc cảm tội lỗi. Nói làm sao
cho dân chúng hiểu được rằng chúng tôi không làm chuyện đàn áp đó, chúng tôi
không chủ trương giết người biểu tình bất bạo động, chúng tôi không đồng ý bắt
giam người như vậy? Nhưng chúng tôi cúi đầu nhẫn nhục chờ ngày không xa chúng
tôi sẽ trả lời với mọi người bằng hành động.
Chưa bao giờ nhà lao
chứa nhiều tù nhân như trong thời gian đó. Nhiều anh em quân nhân rất khổ tâm
khi phải ra đàn áp biểu tình. Trước ngày tấn công chùa vào 20 tháng 8, có những
vụ biểu tình mà quân đội được lịnh của Tiểu Khu Trưởng tức là Tỉnh Trưởng ra
lịnh chặn biểu tình đã đến gần đám biểu tình mà nói: “Chúng tôi được lịnh không
cho đoàn biểu tình đi qua, tức là biểu chúng tôi phải chết tại nơi đây. Xin các
anh chị hiểu giùm cho chúng tôi”.
Phật tử các tỉnh thừa
nhận quân nhân ở các tỉnh dù được lịnh vẫn không nỡ thẳng tay đàn áp Phật tử
biểu tình, chỉ có cảnh sát và cảnh sát dã chiến đàn áp mạnh vì phần đông các
ông Phó ty cảnh sát hoặc Trưởng phòng Cảnh Sát Đặc Biệt, Trưởng phòng di động
đều là cán bộ nòng cốt của đảng Cần Lao.
Vụ bắn Quách Thị Trang
chết, bắt thêm sinh viên học sinh giam cầm không những khiến cho dân chúng
trong nước căm hận mà Việt kiều và sinh viên Việt Nam ở ngoài nước cũng oán
ghét gia đình nhà Ngô. Thế giới bất bình hành động đó của anh em Ngô Đình Diệm
thêm nên bà Nhu quyết định lên đường đi “giải độc”.
Đầu tháng 10, bà Nhu
có mặt tại Pháp. Ngoài việc tiếp xúc với chính giới ra, bà ấy ra lịnh tòa Đại
sứ Việt Nam tại Ba Lê tổ chức một cuộc họp để giải độc vào chiều ngày 3 tháng
10 năm 1963.
Xe chở bà Nhu trên
đường đi đến sứ quán, sinh viên và Việt kiều đã đón liệng cà chua, trứng và
nước sơn để tỏ ý chống đối hiện thân của một chế độ độc tài. Lúc bà Nhu xuống
xe, gần 200 sinh viên và Việt kiều đã đồng thanh đả đảo chính quyền Ngô Đình
Diệm, hô hào đoàn kết tranh đấu đòi quyền tự do cho dân Việt. Trong số sinh
viên chủ động có con trai tôi là Đức, đang học Đại học Y Khoa tại Ba Lê. Đức
hướng dẫn sinh viên chống bà Nhu trong thời kỳ đó.
Vài ngày sau ông Diệm
gặp tôi hỏi:
- Ông có đứa con đang
học ở Ba Lê?
- Dạ.
- Học gì? Năm thứ mấy?
v.v…
Ông Diệm chỉ hỏi chứ
không nói lời phê bình nào, và tôi chỉ trả lời vắn tắt những câu hỏi của ông ta
mà thôi.
Ngày 22 tháng 8, tôi
đến thăm Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết. Với giọng nói mệt nhọc, ngài hỏi:
- Tại sao lại đánh
chúng tôi?
Nghe hỏi tôi xót xa
quá, nhưng không biết trả lời sao!
Vì thiết quân luật,
chúng tôi ở trong trại không về nhà, nhiều anh em cũng như tôi nhận những cú
điện thoại trách móc của vợ, không những chỉ các gia đình theo đạo Phật mà
người phụ nữ thuộc các tôn giáo khác cũng có người trách chồng sao lại tham gia
vào việc đàn áp Phật giáo… Đại Tá Trần Ngọc Huyến, một tín đồ Thiên Chúa giáo,
người ủng hộ ông Diệm hết tình cũng chống vấn đề đàn áp Phật giáo đó của anh em
ông Diệm.
Những gì chúng tôi
nung nấu từ đầu năm 1960 đến nay đã đến lúc phải bộc phát. Những độc tài, bất
công, đàn áp của chính quyền mà suốt mấy năm trời chúng tôi bất bình đến nay
phải bùng nổ. Những chuẩn bị từ lâu nay đến lúc phải thi hành” (1.11.1963).
(Nguồn: Việt Nam Nhân Chứng, Trần Văn Đôn, nxb Xuân Thu, USA, 1989)
No comments:
Post a Comment